Ra mắt hai cuốn sách trang bị kỹ năng truyền thông hiện đại


Sáng 17/11, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông ( Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức Lễ ra mắt hai cuốn sách: Báo chí trên thiết bị di động và nền tảng truyền thông xã hội; Nghệ thuật phỏng vấn – Một hướng dẫn dành cho các nhà báo và người làm nội dung chuyên nghiệp (Nhà xuất bản Trẻ năm 2023).
Phát biểu khai mạc Lễ ra mắt sách, Tiến sĩ Đinh Đức Thiện, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Hai cuốn sách được ra mắt hôm nay là những tài liệu nghề nghiệp hữu ích, trực tiếp phục vụ cho công việc của các nhà quản lý, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên – những người hằng ngày hằng giờ tham gia vào hoạt động báo chí, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội về một nền truyền thông hiện đại, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, bảo đảm tính trung thực trong nội dung chuyển tải”.
Nghệ thuật phỏng vấn và hoạt động truyền thông trên các thiết bị di động và nền tảng truyền thông xã hội là những kỹ năng căn bản mà các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, những người hoạt động truyền thông cần nắm vững, đồng thời không ngừng trau dồi để có thể nắm bắt, khai thác và tối ưu hóa các phương thức tiếp cận thông tin trong thời đại số. Đó cũng là chủ đề chính được đề cập trong hai cuốn sách tiếp theo của dự án sách năm 2023 mà Dự án phát triển báo chí Việt Nam muốn giới thiệu.
Báo chí trên thiết bị di động và nền tảng truyền thông xã hội của tác giả Anthony Adornato (Chủ nhiệm Khoa Phát thanh và Báo chí kỹ thuật số tại Trường Truyền thông công cộng Newhouse của Đại học Syracuse, Mỹ) kết hợp lý thuyết và thực hành, cuốn sách bao gồm các danh sách kiểm tra và hoạt động thực tế trong mỗi chương, cho phép người đọc xây dựng ngay bộ kỹ năng báo chí trên các thiết bị di động và nền tảng truyền thông xã hội mà bất cứ tổ chức tin tức nào cũng mong đợi ở các nhà báo của họ.
Phiên bản cập nhật của cuốn sách vẫn tập trung vào các giá trị cốt lõi của báo chí, chẳng hạn như xác thực, xác minh thông tin và độ tin cậy, đồng thời hướng dẫn người đọc cách áp dụng chúng vào các hoạt động truyền thông kỹ thuật số. Cuốn sách cũng đưa ra một cuộc thảo luận chuyên sâu về vai trò tích cực của khán giả trong việc sản xuất nội dung, cách thiết bị di động và mạng xã hội đã thay đổi lối tiếp nhận tin tức của khán giả cũng như ý nghĩa của những thay đổi này đối với người làm báo.
Phỏng vấn là một kỹ năng “truyền thống”, thiết yếu với các nhà báo, phóng viên ở bất kỳ thời đại báo chí nào. Kinh nghiệm sẽ mang lại lợi thế quyết định – sự tự tin – nó đến từ quá trình chuẩn bị và thực tiễn tác nghiệp. Đó cũng chính là trọng tâm của ấn bản thứ ba cuốn sách Nghệ thuật phỏng vấn của Gail Sedorkin (giảng viên Khoa Báo chí và quan hệ công chúng tại Đại học James Cook, Đại học Deakin và Đại học CQ) và Amy Forbes (Phó Giáo sư Báo chí và Truyền thông tại Đại học James Cook).
Chia sẻ tại buổi lễ, PGS, TS Đinh Thị Thúy Hằng (nguyên Trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh: “Những cuốn sách của Dự án là nguồn tài nguyên vô giá cho sinh viên và những người hoạt động chuyên nghiệp trong các lĩnh vực như báo chí, quan hệ công chúng, truyền thông đại chúng”.

Từ năm 2020 đến nay, với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”, đã tổ chức thành công hơn 30 hoạt động bao gồm tổ chức các khóa tập huấn, các diễn đàn, hội thảo về công nghệ, báo chí, xuất bản 8 cuốn sách về nghiệp vụ báo chí… tiếp cận hơn 15.000 lượt các nhà quản lý báo chí, cán bộ quản lý truyền thông, phóng viên báo chí trên cả nước. Dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.