Kính thưa Quý vị đại biểu tham dự cuộc Hội thảo!
Những năm qua, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, mạng xã hội và các dịch vụ truyền thông trên Internet đã có những tác động rất lớn đến đời sống của người dân và toàn xã hội. Các công nghệ và ứng dụng phát triển giúp cho việc chia sẻ và tiếp cận thông tin ngày càng thuận tiện và dễ dàng hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, tăng tính dân chủ, minh bạch và đáp ứng nhu cầu trao đổi về thông tin, giải trí, mua sắm của người sử dụng nhằm nâng cao chất lượng sống trong đời sống xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực và tiện ích mang lại cho xã hội thì trên môi trường mạng cũng còn tồn tại nhiều thông tin tiêu cực, gây khó khăn, thách thức cho công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là vấn nạn ”tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”. Đây không chỉ vấn đề Việt Nam gặp phải mà vấn nạn chung của toàn cầu và cuộc chiến chống tin giả bước sang giai đoạn mới khi ngày càng có nhiều chính phủ các nước ban hành luật nhằm xử phạt người tung tin giả và cả các trang mạng cho phép đăng tải loại thông tin đó. Mới đây tháng 6/2022, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu 30 đại gia về công nghệ, bao gồm các công ty quảng cáo lớn và 4 đại gia công nghệ Meta (Facebook), Alphabe (Google), Twitter và Microsoft đã ký cam kết tuân thủ bộ quy tắc ứng xử về xử lý tin giả (bản cập nhập).
Tin giả trên mạng xã hội có thể là do các đối tượng tung lên, phát tán chỉ nhằm thu hút sự quan tâm của người đọc, tăng lượt view trên các nền tảng mạng xã hội, thuận lợi cho việc bán hàng online.
Cũng không ít trường hợp đăng tải, chia sẻ các thông tin sai lệch do chưa được kiểm chứng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức không đầy đủ…, chỉ đến khi bị cơ quan chức năng triệu tập lên làm việc mới nhận ra hành vi sai trái.
Các thế lực thù địch, tổ chức phản động cũng triệt để lợi dụng môi trường mạng để tung tin giả, tin sai sự thật, tin xấu độc nhằm chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… cũng phải đối mặt với các loại tin tức giả hàng ngày…
Có thể nhận thấy vấn nạn tin giả được thể hiện rõ nhất khi thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các thông tin xuyên tạc chính sách, biện pháp phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước gây mất đoàn kết nội bộ, làm nhiễu loạn thông tin, trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.
Hành vi loan truyền tin giả, tin sai sự thật diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên biên giới. Với các nền tảng có thể kết nối hàng tỷ người trên toàn thế giới hiện nay như Facebook, Youtube, Tiktok… có tin giả thì ngay lập tức sẽ có hàng ngàn lượt chia sẻ, với hàng triệu lượt xem. Rồi bình luận, rỉ tai, phao tin sẽ làm cho tin giả tăng theo cấp số nhân.
Nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng vi phạm trên các nền tảng số xuyên giới chủ yếu là do người sử dụng cho rằng khi cung cấp, phát tán thông tin trên các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài khó bị phát hiện danh tính, có tư tưởng “vô danh nên vô trách nhiệm,” không sợ bị xử lý, nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả tiêu cực cho xã hội, cho cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng.
Người dân Việt Nam đang có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Facebook, YouTube, TikTok, trong khi vẫn luôn tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn thông tin xấu, độc tại Việt Nam, điển hình là Facebook.
Từ đầu năm đến nay, Bộ TTTT đã đẩy mạnh, tăng cường quản lý các mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, yêu cầu 4 doanh nghiệp lớn là Facebook, Google, Tik Tok, Apple rút ngắn thời gian xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm trên các nền tảng do các doanh nghiệp này cung cấp để tránh ảnh hưởng lan rộng.
Để đối phó tình trạng này, Bộ TTTT đã thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế, xử lý tình trạng phát tán, lan truyền tin giả:
+ Nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung nhiều quy định về chống tin giả, đồng thời tăng chế tài và mức phạt tin giả;
+ Giao Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) để xác minh, công bố tin giả trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, mạng xã hội và blog cá nhân. Thống kê của Trung tâm xử lý tin giả, đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 4.363 tin phản ánh; thẩm định, gắn nhãn và công bố 50 tin giả; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ trên 3.120 tin, bài có nội dung xấu độc, link giả mạo.
Quá trình xử lý tin giả, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã thiết lập được mạng lưới xử lý tin giả trên toàn quốc, với hơn 100 đầu mối thuộc các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã ký kết các biên bản ghi nhớ với nhiều Sở TTTT các địa phương để tăng cường phối hợp xử lý đối với các hành vi đăng tải, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật trên mạng; trao đổi, chia sẻ thông tin hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý; thẩm định, kết luận về tính chính xác của nội dung thông tin được đăng tải, chia sẻ trên mạng; gắn nhãn, công bố tin giả, tin sai sự thật và cung cấp thông tin chính xác trên cổng thông tin Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (www.tingia.gov.vn).
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ký kết với các bộ, ngành để tăng cường công tác phối hợp, giảm thiểu thời gian, quy trình xác minh tin giả.
Ngoài ra, đồng hành cùng với cơ quan quản lý, rất nhiều cơ quan báo chí chủ động tìm hiểu, xác minh tin đồn được cho là tin giả từ các cơ quan chức năng để kịp thời thông tin chính xác, công bố/phản bác tin giả khi có kết quả xác minh. Nhiều cơ quan báo chí lớn như VTV, Quân đội nhân dân, Nhân dân, Thông tấn xã VN…đều có tuyến bài, chuyên đề đấu tranh, phản bác tin giả, tin xấu độc.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tin giả trên không gian mạng dù đã bị các đơn vị chức năng thường xuyên xử lý nhưng vẫn liên tục được sản sinh mỗi giờ, mỗi ngày, giống như rác trong cuộc sống, quét liên tục nhưng không bao giờ hết hoàn toàn. Do đó, để người sử dụng có thể tự trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc và nhận biết tin giả cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khi hoạt động trên không gian mạng để có ứng xử phù hợp nhằm hạn chế sự phát tán và ảnh hưởng của tin giả, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện xây dựng “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”.
Kính thưa Quý vị đại biểu tham dự cuộc Hội thảo!
Để nội dung Cẩm nang được trình bày dễ hiểu, dễ tiếp cận, có khả năng ứng dụng vào thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng đề nghị các quý vị đại biểu nghiên cứu và cho ý kiến góp ý.
Các ý kiến góp ý sẽ được ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Cẩm nang, tiến tới in sách và phát hành rộng rãi tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng mạng Internet để cùng ứng phó trước vấn nạn ”tin giả, tin sai sự thật” đang tràn lan trên mạng Internet hiện nay.
Trân trọng cảm ơn quý vị đại biểu./.