Ngày 18/6, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Google châu Á-Thái Bình Dương tổ chức buổi trao đổi trực tuyến “Kỹ năng xuất bản nội dung và bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trên nền tảng công nghệ số” dành cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Hội thảo nhằm chia sẻ, cung cấp thêm cho phóng viên, biên tập viên những kiến thức liên quan tới tác nghiệp báo chí trên nền tảng số, với mục tiêu đưa những thông tin báo chí ở Việt Nam đến với đồng đảo người đọc trên không gian mạng.
Tại buổi trao đổi, các đại biểu được giới thiệu tổng quan về sáng kiến Bản tin Google (Google News); chức năng Tìm kiếm, bao gồm cách tin tức xuất hiện trên Google, các sản phẩm phân phối tin tức của Google, các công cụ dành cho cơ quan báo chí.
Các chuyên gia của Google cũng chia sẻ về vấn đề chống vi phạm bản quyền như: Nguyên tắc về bản quyền của Google, cưỡng chế bảo vệ bản quyền và các công cụ kỹ thuật để bảo vệ bản quyền (trên công cụ tìm kiếm và Youtube), cách thức báo cáo tình trạng nội dung bị vi phạm bản quyền…
Thông qua hội thảo, các chuyên gia cũng khuyến cáo cơ quan báo chí không nên chỉ tập trung đến bảo vệ bản quyền hay tăng nguồn thu từ các nền tảng số mà còn phải tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng nội dung chất lượng và trình bày sao cho hấp dẫn, có thể hiển thị tối ưu trên nhiều thiết bị.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông, tại hội thảo. (Ảnh chụp màn hình)
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông, khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong cuộc sống ngày nay. Ông cho rằng báo chí đang phải cạnh tranh và nỗ lực để có thể đánh lui được tin giả và mang lại nhận thức đúng đắn trong cộng đồng về những vấn đề quan trọng của đất nước.
“Trong hoạt động xuất bản hàng ngày, đặc biệt là trên môi trường online, chúng ta được trợ giúp của rất nhiều các công cụ hiện đại, trong đó hệ sinh thái của Google hỗ trợ rất ưu việt đối với các nhà xuất bản và các cơ quan báo chí,” Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Ông Lâm cho hay Google đã có nhiều công cụ, nhiều sản phẩm hỗ trợ báo chí, trong đó có sản phẩm Google News. Vì vậy, buổi trao đổi này ngoài việc chia sẻ các kiến thức mới từ chuyên gia của Google tới phóng viên, biên tập viên thì còn hướng tới sự hợp tác giữa Google và báo chí nhằm ủng hộ nhau, bảo vệ nhau trên không gian mạng, thậm chí là tìm kiếm những mô hình kinh doanh để hai bên cùng hưởng lợi.
Bà Tezin Norbhu, Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Chính sách công khu vực Đông Nam Á, Google châu Á-Thái Bình Dương, cho biết Google đã hợp tác với nhiều cơ quan báo chí nổi tiếng trên thế giới trong suốt 20 năm qua. Google cũng có nhiều hỗ trợ để tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng cao trong kỷ nguyên số này và đảm bảo rằng mọi người trên thế giới đều có thể tiếp cận những sản phẩm chất lượng.
Ông Jean-Jacques Sahel, Trưởng nhóm Thông tin và Chính sách Nội dung, Google châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh chụp màn hình)
“Chúng tôi tạo dựng một hệ sinh thái bền vững và độc lập, nhằm mang tới cho người dùng nhiều nguồn tin tức khác nhau, có nội dung đa dạng, phong phú và đáng tin cậy. Trong hai thập kỷ qua, chúng tôi cũng đã hỗ trợ các cơ quan báo chí về mặt tài chính, xây dựng các khóa đào tạo,” bà Tezin cho biết.
Đại diện Google châu Á-Thái Bình Dương bày tỏ mong muốn tiếp tục chia sẻ doanh thu với các cơ quan báo chí tại Việt Nam, tổ chức các buổi đào tạo, hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái tin tức tại Việt Nam, bởi khi người dân có thể tiếp cận nguồn thông tin lành mạnh, trung thực thì xã hội sẽ phát tiển tích cực hơn.
Ông Jean-Jacques Sahel, Trưởng nhóm Thông tin và Chính sách Nội dung, Google châu Á-Thái Bình Dương, đã chia sẻ về các biện pháp chống vi phạm bản quyền nội dung các tác phẩm báo chí trên các nền tảng số. Ông cho hay mỗi ngày có đến 2 triệu trang web bị “report” (báo cáo) vi phạm bản quyền. Google đã có sự đầu tư lớn để có thể giải quyết các vi phạm đó một cách nhanh chóng và chuẩn xác, bởi cũng có những trang web bị report “oan” do đối thủ cạnh tranh không lành mạnh./.