Bảo vệ bản quyền tác phẩm có ý nghĩa sống còn với sự phát triển của báo chí


Bản thân các cơ quan báo chí phải hiểu hết các quyền đã được pháp luật bảo hộ của mình, nâng cao nhận thức của phóng viên, có cơ chế tự bảo vệ trước nạn xâm phạm bản quyền.
Ngày 5/11, tại TP.HCM, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo trong cả nước.

Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”

Nạn xâm phạm bản quyền báo chí ngày càng nghiêm trọng
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, diễn đàn nhằm trao đổi thấu đáo một vấn đề nhức nhối, có ý nghĩa sống còn trong sự phát triển báo chí hiện nay, đó là bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí.
Theo ông Lâm, báo chí hiện nay đang đối mặt với thách thức chưa từng có. Hệ sinh thái báo chí cần có sự nhìn nhận lại, trước sự tham gia có lúc áp đảo của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Có những thói quen như sử dụng tin tức của nhau hay những luật chơi, chính sách hiện hành cũng đến lúc thay đổi, điều chỉnh.
“Hệ sinh thái báo chí truyền thông nói chung và các doanh nghiệp, tác nhân tham gia câu chuyện có thể làm được gì để bảo vệ lẫn nhau, bảo vệ mình trước sự tham gia, thậm chí là áp đảo của các nền tảng mạng xã hội sở hữu nhiều ưu thế, trong việc đặt ra luật chơi và phân bổ các nguồn lực trong lĩnh vực này?” – ông Nguyễn Thanh Lâm đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin & Truyền thông.
Đại diện các cơ quan báo chí nêu lên thực trạng vi phạm bản quyền, cách thức xử lý và một số kiến nghị. Theo ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ, việc các cơ quan báo chí lấy thông tin của nhau, mà phần lớn là không được sự đồng ý của cơ quan chủ quản đã giảm nhiều. Tuy nhiên, nếu các cơ quan báo chí cứ chạy đua theo số lượng thì cuối cùng giá trị của tin bài bằng không. Hậu quả là thông tin tràn lan, dẫn đến không giữ được người đọc trung thành. Vì thế, cần thiết phải làm tốt công tác “bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí” để xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu của tờ báo.
“Nếu chúng ta từ bỏ cuộc đua số lượng thì sẽ tập trung cuộc đua chất lượng, lúc đó áp lực chạy đua về số lượng sẽ giảm để chúng ta có thời gian, công sức đầu tư các tác phẩm báo chí có chất lượng. Như vậy, cuộc đua lúc này là cuộc đua chất lượng và cuối cùng là xã hội được lợi chứ không riêng gì các toà soạn” – ông Lê Xuân Trung nhận định.
Ông Lê Xuân Trung – Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ
Nhà báo Đinh Đức Thọ, Tổng Thư kí toà soạn, Báo Pháp luật TP.HCM cũng cho rằng “nạn xâm phạm bản quyền báo chí ngày càng diễn ra nghiêm trọng”. Rất nhiều tác phẩm của báo ngay khi vừa xuất bản đã bị các web, các cơ quan báo chí khác, trang mạng xã hội tự ý sử dụng; thậm chí có những tác phẩm điều tra độc quyền cũng nhanh chóng bị lấy đăng lại. Báo Pháp luật TP.HCM đã lập Tổ bản quyền để nghiên cứu, phát hiện các trường hợp sử dụng trái phép các tác phẩm báo chí của mình.
Ông Đinh Đức Thọ đề nghị cần phải nâng mức phạt trong lĩnh vực này nhằm đủ sức răn đe. Nếu tăng mức phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả lên gấp 2, 3 thậm chí 5 lần thì sẽ có sức răn đe mạnh hơn, góp phần hạn chế nạn vi phạm bản quyền báo chí.
Ông Đinh Đức Thọ – Tổng Thư ký toà soạn báo Pháp luật TP.HCM
Tăng cường phối hợp chống xâm phạm bản quyền
Ông Trịnh Tuấn Thành, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận định: Tình trạng xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan không chỉ diễn ra ở lĩnh vực như báo chí, xuất bản mà cả điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, chương trình máy tính, phát thanh, truyền hình…  với mức độ ngày càng tinh vi và đặt ra nhiều thách thức. Điều này làm ảnh hưởng tới môi trường sáng tạo, đầu tư, đặc biệt là đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm còn hạn chế; các chủ thể sáng tạo chưa chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Ông Trịnh Tuấn Thành- Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Ông Trịnh Tuấn Thành cho rằng trước khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, cần tiếp tục tuyên truyền ý thức tự bảo vệ tác quyền. “Chúng ta tiếp tục tăng cường câu chuyện truyền thông để những người có những tác phẩm, bài văn, bài báo, sự sáng tạo của mình trước hết tự ý thức bảo vệ. Sau đó khi cảm thấy vi phạm thì các nhà báo phản ánh kịp thời những cách thời những cách thức, đối tượng và hình thức vi phạm”.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp công nghệ cần phải liên kết với nhau, có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi. Bản thân các cơ quan báo chí phải hiểu hết các quyền đã được pháp luật bảo hộ của mình, nâng cao nhận thức của phóng viên, có cơ chế tự bảo vệ trước nạn xâm phạm bản quyền.
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu chỉ đạo.
“Trước hết, để các trang tin điện tử, mạng xã hội… không ăn cắp của chúng ta thì bản thân các cơ quan báo chí phải cam kết mạnh mẽ, thực hiện nghiêm, không vi phạm tác quyền của nhau. Như thế các bên mới liên kết được để đấu tranh với sự vi phạm của các trang mạng trong và ngoài nước” – Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh./.
Hà Khánh/VOV-TPHCM