Muốn giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm


Tại buổi làm việc với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT ngày 16/01/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Thay đổi lớn của thời đại hiện nay đối với khái niệm “dạy học” chính là cung cấp tri thức một cách thú vị, thực chất thay vì chỉ cung cấp thông tin như giai đoạn trước; đi học không còn chỉ theo chương trình, khóa học mà học tập là suốt đời”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Phan Tâm chụp ảnh lưu niệm với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT

Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Phan Tâm, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong Bộ và tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của Trường.
Đào tạo không chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức mà còn cần truyền cảm hứng cho các cán bộ, người lao động thêm yêu nghề, yêu công việc
Báo cáo với Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ tại buổi làm việc về một số kết quả nổi bật trong năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ của giai đoạn đến năm 2025, ông Đinh Đức Thiện, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT cho biết, để thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng nền tảng đào tạo, bồi dưỡng số theo hướng lấy cán bộ làm trung tâm”, đã được Bộ trưởng phê duyệt, nhà trường đã và sẽ tập trung xây dựng trợ giảng ảo; xây dựng kho học liệu số; cung cấp, tổ chức các khóa bồi dưỡng trên môi trường số, đồng thời đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển trường.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm 2023 của Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sứ mệnh của Trường là bồi dưỡng kiến thức về TT&TT cho cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài Ngành để thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển đất nước. 

Theo Bộ trưởng: Sứ mệnh của Trường là bồi dưỡng kiến thức về TT&TT cho cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài Ngành để thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển đất nước. Vì vậy, năm 2024 Trường cần tập trung vào chất lượng dạy và học. Xây dựng và bồi dưỡng những kiến thức cũ đồng thời phát triển những tri thức mới, cần làm xuất sắc ở lĩnh vực này để tạo được uy tín, thương hiệu riêng của Trường từ đó mới thu hút được lượng học viên đăng kí học thực chất.
Đối với vấn đề xây dựng học liệu số, Bộ trưởng yêu cầu Trường tư duy rộng hơn để có cách tiếp cận kho học liệu lớn của nhân loại. Theo Bộ trưởng, với 80% học liệu cơ bản, nền tảng, thì việc của Trường là tìm kiếm, lựa chọn kiến thức phù hợp từ các nguồn sẵn có để từ đó hình thành những “viên ngọc sáng”, là học liệu xuất sắc, sau đó ngày đêm mài giũa, tinh chỉnh để phù hợp với bài giảng cung cấp tới học viên, cập nhật và đổi mới mỗi ngày để sát với thực tế cuộc sống. Với 20% tri thức nâng cao, kiến thức mới thì cần tìm kiếm, đề xuất chia sẻ học liệu từ các cơ quan, đơn vị trong Bộ hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Về tính hấp dẫn của khóa học, ngoài câu chuyện tìm nội dung xuất sắc cho những vấn đề cơ bản, chọn người dạy xuất sắc với các vấn đề mới, bài giảng cần ngắn gọn, có tính tương tác, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, cần sử dụng những phương thức mới, như áp dụng trò chơi trong các bài giảng để việc học trở nên thú vị hơn. Ngoài ra, nên dành khoảng 5% nội dung trong chương trình học để chia sẻ về đạo đức làm nghề, vai trò, ý nghĩa của lĩnh vực, về khát vọng Việt Nam thông qua những câu chuyện, cách làm hay, từ đó truyền cảm hứng, động lực cho các cán bộ, người lao động thêm yêu nghề, yêu công việc mình đang làm, đồng thời giúp bài giảng mềm mại, có tính thuyết phục cao hơn.
Chú trọng ứng dụng công nghệ số, phát triển trợ lý ảo trong dạy và học
Về ứng dụng công nghệ số, phát triển trợ lý ảo trong dạy và học, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thay đổi lớn của thời đại hiện nay đối với khái niệm “dạy học” chính là cung cấp tri thức một cách thú vị, thực chất thay vì chỉ cung cấp thông tin như giai đoạn trước; đi học không còn chỉ theo chương trình, khóa học mà học tập là suốt đời. Do đó, nhà trường cần nhận thức được những thay đổi này để đổi mới trong hoạt động giáo dục trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng chỉ rõ, thay đổi căn bản nhất là “dịch vụ” trường cung cấp, không đơn thuần chỉ là “thông tin” mà phải là “tri thức”. “Tri thức” này cần được định kỳ cập nhật liên tục và cho phép người học tự kiểm tra, đánh giá để hỗ trợ học viên học tập lâu dài, theo nhu cầu, đặc biệt, cần chú trọng việc ứng dụng công nghệ số, nhất là phát triển trợ lý ảo để chất lượng dạy và học được nâng cao.
Theo Bộ trưởng, nhà trường cần xây dựng một cơ sở tri thức về Ngành, cung cấp cho trợ lý ảo để người trong Ngành khi cần thì có thể hỏi và đồng nhất kiến thức từ nguồn tin cậy. Khi đó, tri thức chính là tài sản lớn nhất của Trường, có giá trị cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, từ đó học viên sẽ tìm đến với Trường nhiều hơn.
Bộ trưởng yêu cầu Trường lưu ý câu chuyện phát triển toàn diện và “đều chân”, đào tạo phủ tới các lĩnh vực ở cả 2 nhánh truyền thông báo chí và công nghệ số của Ngành để đáp ứng nhu cầu của cán bộ, công chức trong và ngoài Ngành.

Hiệu trưởng Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT Đinh Đức Thiện phát biểu tại buổi làm việc

Để phát triển và lớn mạnh, ngoài việc bồi dưỡng cho các cán bộ, người lao động trong Ngành, nhà trường cần chú trọng vào lực lượng người học ngoài ngành, trang bị cho họ kiến thức về các lĩnh vực của Ngành như truyền thông chính sách, công nghệ số… Khi những người ngoài ngành hiểu được các kiến thức trong lĩnh vực TT&TT, họ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian để giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và gợi mở hướng đi cho các vấn đề còn tồn đọng. Bộ trưởng cũng gợi ý về việc đổi tên Trường, gắn với định vị, đường hướng phát triển của nhà trường trong giai đoạn phát triển mới./.

(Theo Mic.gov.vn)