Bồi dưỡng kiến thức để cán bộ, công chức làm việc và dẫn dắt tốt hơn
Ngày 16/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong Bộ và tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của trường.
Cách đây hơn 4 năm, trong bài phát biểu tại Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định, trường đang mang trong mình một sứ mệnh rất lớn lao trước ngành TT&TT, trước Bộ và trước đất nước.
“Bộ ta là một bộ về công nghệ số. Đưa công nghệ số, công nghệ ICT, công nghệ 4.0 vào đào tạo đang là một xu thế lớn mang tính toàn cầu. Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT phải đi đầu cả nước trong việc áp dụng công nghệ số vào đào tạo, có như vậy mới xứng đáng là một trường đào tạo cán bộ của một bộ về công nghệ”, Bộ trưởng yêu cầu.
Tại buổi làm việc ngày 16/1 với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT, người đứng đầu ngành TT&TT yêu cầu nhà trường thay đổi nhận thức, thấy được sứ mệnh lớn của trường là bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, bao gồm cả ‘bồi’ kiến thức mới và ‘dưỡng’ kiến thức cũ về lĩnh vực TT&TT cho các cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài ngành.
Mục tiêu hướng tới là qua bồi dưỡng, các cán bộ, công chức, viên chức sẽ làm việc tốt hơn, dẫn dắt tốt hơn. Từ đó, thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển đất nước, với một bên là báo chí truyền thông tạo thành khát vọng, một bên là công nghệ số – sức mạnh vật chất.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT suy nghĩ đến việc đổi tên, gắn với định vị, đường hướng phát triển của nhà trường trong giai đoạn phát triển mới.
Phân tích về 2 thay đổi lớn của thời đại hiện nay – dạy học là cung cấp tri thức thay vì cung cấp thông tin như giai đoạn trước, đi học không còn chỉ theo khóa, chương trình mà là học tập suốt đời, Bộ trưởng cho rằng, nhà trường phải nhận thức được những thay đổi này để có sự đổi mới trong hoạt động của mình.
Theo đó, thay đổi căn bản nhất là dịch vụ trường cung cấp không phải là thông tin mà phải là tri thức. Nhà trường cũng cần xây dựng một cơ sở tri thức về ngành, cung cấp một trợ lý ảo để người trong ngành khi cần thì có thể hỏi. Mặt khác, để hỗ trợ mọi người có thể học tập suốt đời, nhà trường có thể định kỳ cập nhật các bài giảng, cho phép người học có thể tự xem và tự kiểm tra, đánh giá. Khi người học thấy trường như một kho tri thức lớn, họ sẽ tìm đến với trường nhiều hơn.
“Đừng sợ những thay đổi này lấy mất nghề của trường. Chúng chỉ làm cho nghề của trường chất lượng hơn. Nhìn như vậy, tri thức của nhà trường chủ yếu liên quan đến dữ liệu, thông tin, bài học, học liệu, trợ lý ảo… Đây chính là tài sản lớn nhất của trường!”, Bộ trưởng nhận định.
Chỉ rõ chuyển đổi số không thể nào thực hiện được nếu như không thành toàn dân và toàn diện, Bộ trưởng đề nghị nhà trường chú trọng vào lực lượng người học ngoài ngành, trang bị cho họ kiến thức về các lĩnh vực của ngành như truyền thông chính sách, công nghệ số… Khi những người ngoài ngành hiểu được các kiến thức lĩnh vực TT&TT, họ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị trường lưu ý câu chuyện ‘đều chân’, đào tạo phủ tới tất cả các lĩnh vực ở cả 2 nhánh truyền thông báo chí và công nghệ số của Bộ.
Nâng cao chất lượng công việc bằng công nghệ số
Cùng với việc điểm ra một số kết quả nổi bật đạt được trong năm 2023, báo cáo của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT cũng đề ra các phương hướng, nhiệm vụ của giai đoạn đến năm 2025. Trong đó, để thực hiện nhiệm vụ ‘Xây dựng nền tảng đào tạo, bồi dưỡng số theo hướng lấy cán bộ làm trung tâm’ – nhiệm vụ lớn đến năm 2025 của trường đã được Bộ trưởng phê duyệt, nhà trường đã và sẽ tập trung xây dựng trợ giảng ảo; xây dựng kho học liệu số; cung cấp, tổ chức các khóa bồi dưỡng trên trường số, đồng thời đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển trường.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, người đứng đầu ngành TT&TT đã dành nhiều thời gian để giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn cách làm khả thi cho trường về: Cách thức xây dựng học liệu số; làm sao để tăng tính hấp dẫn cho các chương trình đào tạo của trường; biện pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; thu học phí trên trường số thế nào là phù hợp…
Đơn cử như, về xây dựng học liệu số, Bộ trưởng đề nghị trường tư duy rộng hơn để có cách tiếp cận kho học liệu lớn của nhân loại. Với 80% học liệu cơ bản, nền tảng, việc của trường là tìm kiếm, lựa chọn trên mạng, qua quan hệ hợp tác những ‘viên ngọc sáng’ – học liệu xuất sắc để mang về gia công thêm cho phù hợp với nghề TT&TT; với 20% tri thức nâng cao, kiến thức mới thì tìm kiếm, đề xuất được chia sẻ học liệu từ các cơ quan, đơn vị trong Bộ.
Về tính hấp dẫn của khóa học, ngoài câu chuyện tìm nội dung xuất sắc cho những vấn đề cơ bản, chọn người dạy xuất sắc với các vấn đề mới, Bộ trưởng cũng lưu ý về một số yếu tố của thời đại ngày nay là ngắn, tương tác, phù hợp, và dùng game để học như chơi.
Trước băn khoăn về đạo đức công vụ, truyền cảm hứng trong công việc chưa được chú trọng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Bộ trưởng gợi mở cách để đưa nội dung này vào, đó là dành khoảng 5% cho mỗi chương trình, khóa học để nói về đạo đức làm nghề, về vai trò, ý nghĩa của lĩnh vực, về khát vọng Việt Nam.
Một lần nữa nhấn mạnh nhà trường phải thay đổi, thấy được sứ mệnh của đơn vị mình, Bộ trưởng cũng đề nghị Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT quan tâm việc dạy những cái mới để tạo uy tín, thương hiệu; khi chưa hiểu ý tưởng mới, việc mới thì cần mạnh dạn hỏi Lãnh đạo Bộ để biết cách làm; việc khó nghĩ một tuần không ra thì nên bàn, xin ý kiến Lãnh đạo Bộ.
Đặc biệt, cũng như các đơn vị khác trong Bộ, nhà trường năm nay cần chú trọng việc dùng công nghệ số, nhất là trợ lý ảo để việc đỡ vất vả và chất lượng được nâng cao. Mỗi ngành, lĩnh vực phải có trợ lý ảo riêng của mình. “Đây là một việc rất quan trọng của bất cứ tổ chức nào trong Bộ TT&TT”, Bộ trưởng khẳng định.
(Theo Vietnamnet.vn)