Sáng 22/09/2020, tại Hội trường tầng 1, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông (Trường) đã tổ chức Lễ Khai giảng trực tuyến lớp “Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về Công nghệ thông tin và truyền thông” cho Giám đốc các Sở Thông tin và Truyền thông.
Tham dự Lễ khai giảng, về phía Lãnh đạo Bộ có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm ; về phía Trường có ông Đinh Đức Thiện, Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng. Cùng dự buổi lễ có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại các điểm cầu.
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại Lễ Khai giảng trực tuyến lớp “Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về Công nghệ thông tin và truyền thông”
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai giảng lớp học, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết trong 2 năm trở lại đây, phạm vi cũng như nội hàm quản lý nhà nước của lĩnh vực TT&TT được xã hội thừa nhận và ủng hộ, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, được đưa nhiều vào trong các văn kiện chuẩn bị trình Đại hội Đảng các cấp và đặc biệt trong Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Cho đến nay tên lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) vẫn là thông tin và truyền thông nhưng không chỉ là những chuyên ngành truyền thống quen thuộc trong nhận thức của cả xã hội. Lĩnh vực QLNN của chúng ta hiện nay bao gồm 6 lĩnh vực QLNN chuyên ngành với những nét đặc trưng của thời đại, đó là:
1- Bưu chính: Là hạ tầng chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử.
2- Viễn thông: Là hạ tầng kết nối cho nền kinh tế số.
3- Công nghệ thông tin: Là chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, thành phố thông minh.
4- An toàn, an ninh mạng: Là tạo ra một không gian mạng an toàn nhằm thúc đẩy một xã hội số.
5- Công nghiệp ICT: Là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao; là công nghiệp sản xuất phần mềm, công nghiệp sản xuất phần cứng, công nghiệp điện tử-viễn thông, công nghiệp ứng dụng CNTT, công nghiệp nội dung số, công nghiệp an ninh mạng, công nghiệp sản xuất thiết bị Internet vạn vật, phát triển và ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0. Lĩnh vực ICT của Bộ là nền tảng để thúc đẩy kinh tế số, CMCN 4.0 ở Việt Nam. Việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao trong đó cơ bản là các doanh nghiệp ICT, với trên 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động và tạo ra doanh thu hàng năm gần 100 tỷ USD.
6- Báo chí, truyền thông: Là báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại. Lĩnh vực báo chí, truyền thông phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường.
Để thực hiện các định hướng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung mọi nguồn lực và bộ máy từ trung ương đến các Sở để tổ chức thực hiện.Với những nội dung quan trọng như trên, Sở Thông tin và Truyền thông tại các địa phương có vai trò vô cùng quan trọng trong tạo sự thông suốt trong chỉ đạo, thực hiện từ trung ương đến địa phương, đưa các chủ trương chính sách vào thực tế cuộc sống, huy động, động viên, khích lệ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn hưởng ứng tham gia,…
Với những ý nghĩa trên, Khóa học này được thiết kế gồm 2 phần chính: Phần thứ nhất: Tổng quan quản lý nhà nước về thông tin và tryền thông ; Phần thứ hai: Kiến thức về công nghệ thông tin và truyền thông với thời gian bồi dưỡng của chương trình là 160 tiết. Bao gồm 24 chuyên đề về kiến thức và kỹ năng. Trong đó 72 tiết lý thuyết và 72 tiết thảo luận, thực hành; 8 tiết đi nghiên cứu thực tế và 8 tiết viết báo cáo thu hoạch cuối khóa. Khóa học sẽ cung cấp cho các Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông những nội dung mới về QLNN lĩnh vực TT&TT, những kỹ năng cần thiết về các lĩnh vực Công nghiệp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chính phủ điện tử, chính phủ số, đô thị thông minh, An toàn an ninh thông tin, viễn thông công ích.… Mục tiêu của khóa học sẽ giúp các đồng chí lãnh đạo Sở có thêm kiến thức, kỹ năng mới, giúp các đồng chí tự tin lãnh đạo tập thể cán bộ, công nhân viên chức của Sở nâng cao vai trò, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, để Sở chứng minh được vai trò vô cùng quan trọng của mình trong sự phát triển của địa phương: tư tưởng để tạo ra sự đồng thuận, ổn định xã hội và công nghệ số để tạo ra phát triển đột phá.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tin tưởng với vai trò của người đứng đầu, các đồng chí Giám đốc Sở sẽ đi đầu, gương mẫu trong việc học tập, nghiên cứu các tri thức mới, các kỹ năng mới được các đồng chí Cục trưởng, Vụ trưởng, các chuyên gia có kinh nghiệm thực tế,… chia sẻ trong khoá học này. Đồng thời cũng hy vọng các đồng chí Giám đốc Sở đều sẽ trở thành các Giám đốc Sở xuất sắc, nổi trội thể hiện được vai trò không thể thay thế của mình trong sự phát triển của tỉnh.
Các đồng chí Giám đốc Sở TT&TT tại các điểm cầu.
Tại buổi Lễ khai giảng,Thứ trưởng Phan Tâm cũng nhấn mạnh một số nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về một số việc các Sở Thông tin và Truyền thông cần làm để thay đổi vị trí và vai trò của mình trong thời gian tới về các lĩnh vực mà mình quản lý như Bưu chính, Viễn thông, CNTT,Công nghiệp ICT, Báo chí, truyền thông
Hiệu trưởng Đinh Đức Thiện phát biểu tại Lễ Khai giảng trực tuyến lớp “Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về Công nghệ thông tin và truyền thông”
Thay mặt Lãnh đạo Trường, Hiệu trưởng Đinh Đức Thiện cảm ơn sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ và xin hứa Trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho khóa học
Toàn cảnh Lễ Khai giảng