Tổng hợp hỏi đáp Gửi thông tin hỏi đáp

Độc giả: Phạm Huy Sang – Bà Rịa – Vũng Tàu
sang.huypham@gmail.com

Theo Quyết định 2378/BTTTT, tôi xin phép hỏi: ” Khi nào thực hiện lập báo cáo kinh tế kỹ thuật? (áp dụng cho những trường hợp nào?)” và  “Văn bản hướng dẫn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật?”

– 3 ngày trước

Trả lời:
Ghi nhận ý kiến của bạn đọc, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến trả lời như sau:
1. Khi nào thực hiện lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật:
Ngày 31/12/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công (Nghị định 136/2015/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2016, các quy định trước đây trái với quy định tại Nghị định này đều bị bãi bỏ, nên các quy định tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tiin sử dụng nguồn vốn NSNN (Nghị định số 102/2009/NĐ-CP) mà trái với Nghị định số 136/2015/NĐ-CP đều bị bãi bỏ.
Do đó, theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 136/2015/NĐ-CP thì dự án nhóm C quy mô nhỏ có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng áp dụng thiết kế 1 bước là thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế kỹ thuật.
2. Văn bản hướng dẫn lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn NSNN. Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 102/2009/NĐ-CP, trong Nghị định sửa đổi này sẽ hướng dẫn cụ thể về lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật, những trường hợp được áp dụng lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Độc giả: Hà Linh – Ngõ 103, Pháo Đài Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
Halinh.got@gmail.com
 Kính gửi Bộ Thông tin và Truyền thông,
Tôi có câu hỏi sau cần tham khảo ý kiến của Bộ: theo Điều 11-Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in, một trong những điều kiện để hoạt động của cơ sở in là “có chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam” nhưng đây là điều kiện áp dụng với các cơ sở in có sản phẩm là ” báo, tạp chí, các ấn phẩm báo chí; mẫu, biểu mẫu giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành; tem chống giả,; hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá ” . Vậy, nếu cơ sở in chỉ thực hiện hoạt động photocopy các giấy tờ, tài liệu thì không nhất thiết phải có chủ sở hữu là cá nhân, tổ chức Việt Nam phải không? Hay nói cách khác, nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư thành lập công ty kinh doanh dịch vụ photocopy phải không?
Rất mong nhận được câu trả lời.
Chân thành cảm ơn !

– 5 ngày trước

Trả lời:
Cục Xuất bản, In và Phát hành có ý kiến trả lời như sau:
Theo quy định tại Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014, Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động in thì việc thành lập và hoạt động của cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy là không hạn chế đối với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cơ sở muốn sản xuất sản phẩm in là xuất bản phẩm (Nghị định số 195/2013-NĐ-CP), báo chí, tem chống giả (Nghị định số 25/2018/NĐ-CP) thì cơ sở phải có chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam.
Độc giả: Vũ Tuấn Linh – Quế Võ, Bắc Ninh
Vutuanlinhbn@gmail.com

Hiện nay Chính phủ đã đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số. Đứng dưới góc độ là người dân, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ vấn đề sau:

– Tại sao chính quyền không cấp các giấy tờ cho công dân dưới dạng điện tử đã được ký số mà vẫn cấp dưới dạng bản in và ký đóng dấu đỏ?

– Những giấy tờ cấp cho công dân đã được ký số thì có giá trị pháp lý như văn bản giấy không? Nếu có Chính phủ cần hướng dẫn và phổ biến người dân và doanh nghiệp biết để thay đổi các quy trình nội bộ của họ.

– 6 ngày trước

Trả lời:

Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia có ý kiến như sau:

Ngày 27/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP, theo đó, giá trị pháp lý của chữ ký số đã được khẳng định theo quy định tại Điều 8 của Nghị định.
1. Việc cấp giấy tờ cho công dân dưới dạng điện tử đã được ký số tuân theo quy định của pháp luật chuyên ngành tùy thuộc vào từng ngành và lĩnh vực cụ thể. Hiện nay, Chính phủ đang thúc đẩy ứng dụng chữ ký số thông qua ban hành quy định trong các văn bản chuyên ngành.
2. Những giấy tờ điện tử được ký bởi chữ ký số tuân theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 130/NĐ-CP có giá trị pháp lý như văn bản giấy. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội.